ADB đã giúp các quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá ở Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng, gồm Cam-pu-chia, CHDCND Lào và Việt Nam, trở thành một điểm đến đầy tiềm năng của khách du lịch.
- Số lượt khách nước ngoài đến Cam-pu-chia, CHDCND Lào và Việt Nam tăng từ dưới 17 triệu khách năm 2002 lên đến trên 30 triệu khách năm 2010.
- Du lịch tại ba quốc gia vùng sông Mê-kông đóng góp khoảng 22 triệu USD về sản lượng kinh tế và tạo sinh kế cho 4,2 triệu người năm 2010.
- 75% người lao động tại các khách sạn ở Siêm Riệp và Phnôm Pênh hàng tháng gửi về cho gia đình trên 1,2 triệu USD.
Cách đây vài năm, chị Som Chít, một bà quả phụ cùng với bốn người con gái chuyển từ miền nam Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào) quay về quê hương tại Bản Viềng Nưa. Chị kiếm sống khó khăn và gia đình chủ yếu sống nhờ vào ruộng lúa.
Tuy nhiên, sau đó, ADB đã hỗ trợ vốn qua Dự án Phát triển Du lịch Tiểu vùng Sông Mê-kông Mở rộng, qua đó Bản Viềng Nưa trở thành “thôn văn hóa”, còn chị Som Chít được trả lương làm người dọn dẹp tại một nhà khách. Sau đó dự án đã đào tạo chị về thiết kế túi xách tay. Với sự tự tin ngày càng tăng, chị đã học được kỹ năng dệt vải.
Những kỹ năng trên kết hợp với việc thiết kế váy áo của phụ nữ Lào đã nâng cao thu nhập hàng năm của chị thêm 340USD. Thu nhập từ bán váy áo đã hỗ trợ chị nuôi gia đình và cho các cháu gái đi học. “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi,” chị Som Chít nói, “là sự tôn trọng mà dân làng dành cho tôi và con gái của tôi, vì tôi đã có khả năng nuôi nấng chúng.”
Đầu tư vào hạ tầng để hỗ trợ du lịch
Chị Som Chít là một trong hàng triệu người được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án của ADB được bắt đầu triển khai năm 2003 tại Cam-pu-chia, CHDCND Lào và Việt Nam, hoàn thành vào năm 2011.
Vì đây là ngành đòi hỏi nhiều lao động và hầu hết các thành viên kinh doanh chỉ nhỏ lẻ, nên tác động của phát triển du lịch được cảm thấy nhanh chóng và lợi ích được lan tỏa trong mọi mặt của đời sống.
Ba quốc gia cùng chung hưởng 35 triệu USD vốn dự án. ADB phân bổ 15,6 triệu USD cho Cam-pu-chia, 10,9 triệu USD cho CHDCND Lào, và 8,5 triệu USD cho Việt Nam trong dự án, qua đó cho thấy ADB thúc đẩy hội nhập và hợp tác khu vực trên toàn Châu Á và Thái Bình Dương. Cũng như tất cả các hoạt động khác của ADB, mục tiêu là nhằm giảm nghèo và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế theo hướng tôn trọng văn hóa và môi trường. Kết quả đạt được có thể được cảm nhận trong khu vực theo nhiều hướng. Khách du lịch mạo hiểm đi bộ qua các vùng núi tại CHDCND Lào hiện có thể nghỉ lại ở các hộ gia đình hoặc các nhà nghỉ do cộng đồng xây dựng, hoặc mua các loại váy áo màu sắc rực rỡ do Som Chít và những phụ nữ khác tự dệt.
Để thu hút thêm khách du lịch, ba quốc gia trên dòng sông Mê-kông cần phải cải thiện về cơ sở hạ tầng. Vì vậy ở CHDCND Lào, dự án đã xây dựng một ga hàng không mới, một tháp không lưu và 1.600 mét đường băng để cảng hàng không Luông Nậm Tha tiếp nhận được những máy bay lớn hơn và nhiều hành khách hơn. Dự án cũng nâng cấp 26 km đường đến thác Kwang-si, một điểm du lịch, qua đó giảm thời gian đi lại từ Luông Pra-băng gần đó đến hơn một nửa.
Tại Siêm Riệp ở Cam-pu-chia, vốn dự án đã tạo điều kiện cho thành phố thay thế hệ thống nước cũ kỹ với các đường cống và kênh thoát nước và các hố thu gom nước mới. Điều này không chỉ giúp giảm rủi ro bệnh tật qua đường nước, mà còn làm cho thành phố trở nên hấp dẫn hơn với hàng ngàn khách du lịch đến thăm quần thể khu đền Ăng-ko Vat nổi tiếng thế giới.
Tại Việt Nam, hoạt động phát triển bến sông du lịch ở Mỹ Tho của dự án xây dựng được một công viên công cộng tạo quang cảnh ở Tiền Giang, gia cố lại bờ sông bằng những cầu tầu nổi bằng thép và bổ sung một bến hành khách.
Tạo việc làm và tăng thu nhập
Những hoạt động can thiệp trên đã để lại tác động lớn trong ngành du lịch. Số lượt khách nước ngoài tại cả ba quốc gia đã tăng từ dưới 17 triệu lượt khách năm 2002 lên trên 30 triệu lượt khách năm 2010. Du lịch được cho là đã tạo ra 22 tỷ USD về sản lượng kinh tế trong năm và tạo việc làm và thu nhập thiết yếu cho 4,2 triệu người. Đến năm 2015, số khách nước ngoài dự kiến đạt đỉnh 50 triệu lượt khách, giúp duy trì việc làm cho 7,3 triệu người tại các quốc gia trong vùng dự án. Số tiền mà những người có việc làm ở các khu du lịch gửi về cho người nhà cho các cộng đồng nông thôn đã tăng lên. Một nghiên cứu của ADB năm 2010 cho thấy 75% nam giới và nữ giới làm việc tại các khách sạn ở Siêm Riệp và Phnông Pênh đã gửi trên 1,2 triệu USD tiền lương hàng tháng về cho người nhà ở quê.
Vì đây là ngành đòi hỏi nhiều lao động và hầu hết các thành viên kinh doanh chỉ nhỏ lẻ, nên tác động của phát triển du lịch được cảm thấy nhanh chóng và lợi ích được thấm đẫm trong mọi mặt của đời sống. Chúng ta hãy tìm hiểu về người dân ở Bản Tha-pa-en, nơi ở của người dân tộc Khơ-Mú. Trước khi con đường đến Thác Kwang-si được nâng cấp, chị Bouaphan Chanthavady, 52 tuổi, chủ yếu đủ sống nhờ canh tác. Chị Bouaphan đã sinh được tám người con, nhưng không chăm sóc được nên đã mất đi bốn người con.
Nhưng từ khi con đường mới được mở ra, chị bắt đầu bán bún và hoa quả ở cổng vào khu thác nước. Chị đã nâng thu nhập lên 150 USD một tháng, nhờ đó mua được gạch và ngói để chồng chị xây được căn nhà mới. Chị cũng nộp được 1USD một tháng tiền bảo hiểm y tế cho gia đình mình. “Cuộc sống của chúng tôi đã được cải thiện,” chị Bouaphan nói, “và tương lai đã trở nên tươi sáng.”
Bài viết này ban đầu được công bố tại Together We Deliver, một ấn phẩm về những dự án thành công của ADB ở Châu Á và Thái Bình Dương, nhằm minh họa về những tác động phát triển, thông lệ tốt nhất và đổi mới sáng tạo.