Thông Tin Tóm Tắt Của Thành Viên, 4/2022
Hoạt động của ADB tại Việt Nam
Trước thời điểm đại dịch vi-rút corona (COVID-19), tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam đạt trung bình 6,3% trong giai đoạn từ 2010-2019, do được thúc đẩy bởi hoạt động đầu tư, tiêu dùng nội địa bùng nổ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu. Việt Nam đã an toàn vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ở mức 2,9%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tăng cao do biến thể Delta trong năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, làm giảm mức tăng trưởng của năm 2021 xuống còn 2,6%. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội được dự báo đạt 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023—một sự phục hồi có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cao của Việt Nam, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, gia tăng thương mại và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vào năm 1966. Kể từ đó, ADB đã hỗ trợ Việt Nam đạt được những thành tựu về giảm nghèo và gần đây đã giúp định hướng các biện pháp nhằm tăng tính bao trùm của việc cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ, cải thiện tính bền vững về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tới nay, ADB đã cam kết 456 khoản vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho khu vực công của Việt Nam với tổng giá trị là 16,5 tỉ USD. Tổng giá trị giải ngân lũy kế các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam là 11,96 tỉ USD, được tài trợ từ nguồn vốn vay thông thường và nguồn vốn thông thường ưu đãi, Quỹ Phát triển Châu Á và các quỹ đặc biệt khác. Danh mục dự án đang hoạt động theo kênh tài trợ chính phủ của ADB tại Việt Nam bao gồm 35 khoản vay và ba khoản viện trợ trị giá 3,62 tỉ USD.
Danh mục dự kiến theo kênh tài trợ chính phủ của ADB cho Việt Nam giai đoạn 2022–2024 bao gồm 19 dự án với tổng giá trị ước tính là 3,37 tỉ USD. ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thoát khỏi đại dịch COVID-19, tăng cường giao thông và phát triển đô thị, cải thiện tính kết nối ở nông thôn, và giảm tình trạng nghèo khổ ở các vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc thiểu số. ADB sẽ hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng và an ninh y tế, thích ứng biến đổi khí hậu và bền vững môi trường, cũng như hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trong năm 2021, ADB đã cam kết khoản vay trị giá 58 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và nguồn nước, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu thời tiết và khí hậu đáng tin cậy tại các tỉnh Bình Định và Quảng Nam, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Dự án sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội đồng đều cho khoảng 243.000 người, trong đó có 126.300 người dân tộc thiểu số.
Nhằm hỗ trợ Ngân hàng Quốc tế Việt Nam tăng cường phạm vi cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo được tiếp cận tín dụng ngân hàng, ADB đã cung cấp khoản viện trợ hỗ trợ kỹ thuật 0,5 triệu USD vào năm 2021, được tài trợ từ Sáng kiến Tài trợ cho các Nữ doanh nhân. ADB cũng cung cấp hỗ trợ cho các quan hệ đối tác công tư, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân và đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước thông qua hỗ trợ kỹ thuật trị giá 4,6 triệu USD, do các Chính phủ Ôx-trây-lia và Ca-na-đa tài trợ.
Hoạt động hỗ trợ không cần bảo lãnh. Tổng dư nợ và cam kết chưa giải ngân từ các giao dịch không cần bảo lãnh của ADB tại Việt Nam là 1,26 tỉ USD tính tới ngày 31 tháng 12 năm 2021, chiếm 8,99% tổng danh mục đầu tư cho khu vực tư nhân của ADB.
Những thách thức trong hoạt động. . Đại dịch COVID-19 kéo dài với sự xuất hiện của những biến thể mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và làm giảm tiềm năng tăng trưởng của quốc gia. Do đó, ADB sẽ ưu tiên hỗ trợ công cuộc phục hồi kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng phải đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Để ứng phó điều này, ADB hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khác nhằm hỗ trợ chính phủ khắc phục thiệt hại sau thiên tai. ADB cũng hợp tác với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Hà Lan trong một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện khung pháp lý về quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Một số trở ngại vẫn còn và tiếp tục làm chậm quá trình xử lý dự án và giải ngân khoản vay của ADB. Để giải quyết những vấn đề này, ADB và các đối tác phát triển khác tiếp tục đối thoại với chính phủ nhằm hợp lý hóa các quy trình lập kế hoạch đầu tư trung hạn, đẩy nhanh giải ngân theo nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đồng thời tăng cường năng lực đấu thầu mua sắm.
Hoạt Động Hỗ Trợ Tri Thức
Sau khi tham vấn với các cơ quan chính phủ, ADB đã hoàn thành một đánh giá nhu cầu tri thức toàn diện vào năm 2021 để hiểu rõ hơn về nhu cầu và ưu tiên của quốc gia đối với hỗ trợ tri thức của ADB. Đây là một phần trong quá trình xây dựng Kế hoạch Tri thức quốc gia của ADB dành cho Việt Nam cho giai đoạn sắp tới. Các giải pháp tri thức sẽ được cung cấp để cải thiện việc xây dựng chính sách, tăng cường năng lực của các bên hữu quan, đồng thời nâng cao nhận thức và thông tin dựa trên bằng chứng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ADB phối hợp với các cơ quan chính phủ đã đưa ra những báo cáo đánh giá tác động của đại dịch đối với đất nước, bao gồm Chuyển đổi số để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch, Đánh giá đại dịch COVID-19 đối với thu nhập và việc làm tại Việt Nam, và Phân tích các giải pháp ứng phó tài khóa trước đại dịch COVID-19 ở Châu Á với tác động chính sách cho Việt Nam.
Cổ phần và quyền bỏ phiếu
Cổ phần nắm giữ
36.228 (0,34% tổng số cổ phần)
Số phiều bầu
75.342 (0,57% trong tổng số thành viên, 0,87% trong tổng số thành viên của khu vực)
*Tổng vốn đăng ký góp
507,04 triệu USD
*Số vốn đã đóng góp
32,9 triệu USD
* Các số liệu bằng đồng đô-la Mỹ được định giá tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Thống đốc của Việt Nam tại ADB: Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc phụ khuyết của Việt Nam tại ADB: Phạm Thanh Hà
Giám đốc điều hành đại diện Việt Nam tại ADB: Kisun Bang (Hàn Quốc)
Giám đốc điều hành phụ khuyết đại diện cho Việt Nam tại ADB: Yu-Peng (James) Tseng (Đài Bắc, Trung Quốc)