Những can thiệp được ADB hỗ trợ ở Tây Nguyên Việt Nam đã cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân cũng như cơ hội tiếp cận hỗ trợ về y tế, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và truyền cảm hứng để Chính phủ theo đuổi chương trình bảo hiểm y tế cho toàn dân.
Đầu những năm 2000, các bác sỹ và y tá tại Bệnh viện huyện Đắk Hà vẫn còn phải vật lộn với một trở ngại còn phức tạp hơn là vấn đề thiếu nguồn lực của họ.
Một số người dân ở các cộng đồng nông thôn tại Tây Nguyên, Việt Nam, nơi họ đang phục vụ vẫn tìm đến những thầy lang địa phương theo truyền thống không qua đào tạo để chữa trị cho bản thân và trẻ em đau ốm. Họ thích sử dụng đông y hơn là tây y. Nhiều người cho rằng bệnh tật là do ma làm, và điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhận thức về nguy cơ mất vệ sinh đối với sức khoẻ.
Y tá Nguyễn Thị Luyến, 41 tuổi, cho biết quan điểm của người dân về y tế và các vấn đề liên quan đến sức khoẻ nói chung đã thay đổi qua việc triển khai dự án Chăm sóc Y tế tại Tây Nguyên của ADB trong giai đoạn 2004 – 2010.
Chiến dịch truyền thông
Các cán bộ y tế sử dụng vốn dự án để thiết lập ra một Trung tâm thông tin, giáo dục và truyền thông tại bệnh viện nhằm giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh. Trung tâm cũng thông tin cho các hộ gia đình địa phương về lợi ích có được từ chăm sóc y tế hiện đại. Mỗi thôn bản ở khu vực lân cận đã được ít nhất một cán bộ y tế hỗ trợ và y tá đã được đào tạo về các kỹ năng quản lý bệnh nhân.
Kể từ đó, vấn đề vệ sinh đã được giải quyết, các cộng đồng địa phương cho biết tỷ lệ bệnh tật và tỷ vong trẻ sơ sinh đã giảm, chị Luyến cho biết. Chị và các bệnh nhân của mình nằm trong số 5,1 triệu người dân Việt Nam được hưởng lợi từ dự án tại năm tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.
Đến với các cộng đồng thiểu số
Dự án đã xây dựng bệnh viện và trường y tại các khu vực mà nhu cầu hạ tầng phần lớn bị lãng quên, đào tạo cho các bác sỹ và cán bộ y tế, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công về chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Kinh phí dự án là 28 triệu USD, trong đó 18,6 triệu USD, tương đương 66% là vốn vay của ADB. Chính phủ Thụy Điển viện trợ không hoàn lại 5,6 triệu USD còn Chính phủ Việt Nam đóng góp 3,9 triệu USD.
Hoạt động can thiệp này là hết sức cần thiết tại khu vực Tây Nguyên, là nơi có trên bốn triệu người dân tộc thiểu số sống rải rác ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa và tỷ lệ nghèo lâu nay vẫn cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của toàn quốc là 13,4%
Hoạt động can thiệp này là hết sức cần thiết tại khu vực Tây Nguyên, nơi có trên bốn triệu người dân tộc thiểu số sống rải rác ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa và tỷ lệ nghèo lâu nay vẫn cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của toàn quốc là 13,4%.
Qua phối hợp làm việc, cán bộ của Bộ Y tế và các Sở y tế chịu trách nhiệm triển khai và giám sát một loạt các hoạt động. Mười hai trung tâm y tế huyện đã được hỗ trợ cơ sở vật chất mới và các khoa nội trú, các hệ thống vệ sinh, nước sạch và quản lý rác thải đã được nâng cấp. Dự án đã tài trợ xây dựng hai trung tâm y tế dự phòng tỉnh, ba trung tâm bệnh xã hội, và bốn trung tâm thông tin; xây dựng được trường trung cấp y tế tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Nâng cao kỹ năng của cán bộ y tế
Dự án cũng đào tạo cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở và các cán bộ khác, đồng thời nâng cao kỹ năng của các bác sỹ.
Chị Nguyễn Thị Ven, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã tự nhìn nhận về kết quả tại bệnh viện huyện Ngọc Hồi như sau. “Trên 20 bác sỹ chuyên khoa được ADB hỗ trợ vốn đào tạo ở các lĩnh vực như sản, nhi, và kiểm soát lây nhiễm,” chị cho biết “Tiền cũng được đầu tư cho các trung tâm thông tin và bệnh xã hội, các cơ sở xử lý nước thải, và xe cộ. Dự án đã có ảnh hưởng lớn tại địa phương của chúng tôi.”
Một trong những cán bộ y tế đã có được những kỹ năng có giá trị là chị Nay Lin Đa 40 tuổi, bác sỹ tại Trung tâm y tế Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai. Sau khi tốt nghiệp trường y, chị đã nhận được học bổng của dự án để theo học chuyên khoa tại Hà Nội và đã trở thành bác sỹ chuyên khoa sản.
Lin Đa đã chứng kiến sự thay đổi về quan điểm của người dân địa phương đối với chăm sóc y tế. Trước đây, nhiều bà mẹ không làm gì để chuẩn bị sinh. Hiện nay, với sự giúp đỡ của chị và sự hỗ trợ của các bà đỡ, các bà mẹ nhìn chung đã thực hiện những việc cần làm để tự chăm sóc bản thân và để sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh.
Danh sách những cải thiện đạt được nhờ sự đóng góp trực tiếp và gián tiếp của dự án hết sức ấn tượng theo ghi nhận của tất cả các bên liên quan. Chẳng hạn, tỷ lệ bệnh tật đã giảm đáng kể ở các tỉnh trong vùng dự án. Kể từ năm 2006, mức giảm bệnh tật ở các tỉnh trên cao hơn 10% so với các địa phương khác, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Tây Nguyên đã giảm từ 60 xuống 41 trên 1.000 trẻ.
Nhờ những thành tựu trên, chính phủ đã sửa đổi các luật về bảo hiểm y tế và tài chính y tế nhằm đảm bảo những dịch vụ dành cho người nghèo tiếp tục được hỗ trợ ở tất cả các địa phương. Thành công trên đã khuyến khích chính phủ thí điểm các chiến lược để tạo điều kiện thực hiện một mục tiêu còn tham vọng hơn – đó là bảo hiểm y tế toàn dân.
Bài viết này ban đầu được công bố tại Together We Deliver, một ấn phẩm về những dự án thành công của ADB ở Châu Á và Thái Bình Dương, nhằm minh họa về những tác động phát triển, thông lệ tốt nhất và đổi mới sáng tạo.